Ngày 5/11/2011 tại trường THCS Minh Đức, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận tổ chức nói chuyện chuyên đề “Cái tâm của nhà giáo” cho gần 1.000 cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức ngành Giáo dục tham dự.
Tiến sĩ Trần Thị Bích Hồng – Giảng viên trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu, khẳng định thiên chức cao quý của nghề giáo từ xưa đến nay trong xã hội. Nghề giáo không phải là một nghề nhàn hạ mà tiêu hao rất nhiều năng lượng (nói, tư duy, cảm xúc, giải quyết các tình huống sư phạm), nhưng thu nhập chưa tương xứng nên nhiều người không mặn mà, cho là nghề bạc bẽoi… Vì vậy, nếu xác định rõ đến với nghề giáo bằng sự say mê, yêu nghề, không màng danh lợi thì người thầy sẽ đứng vững trên bục giảng, truyền lại cho các em vốn “tri thức”, “đạo đức”, “nhân cách” mà mình có qua từng buổi lên lớp. Ngày nay, nhiều giáo viên thừa chữ “trí” mà thiếu chữ “nhân” khiến uy tín người thầy sút giảm, cho nên người thầy cần nhạy cảm hơn với từng cá thể học sinh để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, nghiêm khắc nhưng gần gũi, trừng phạt nhưng khoan dung… Cũng là một giáo viên nên báo cáo viên đã biết khéo léo đưa vào những dẫn chứng thú vị “Người thật việc thật” từ bản thân, bạn bè, sách báo, khiến buổi nói chuyện sinh động, hấp dẫn hơn.
Theo báo cáo viên: đã chọn nghề giáo, dù ở bất cứ cương vị nào cũng cần phải có cái tâm. Có tâm huyết, nhà giáo mới làm được những việc ích lợi cho học trò của mình, mới xứng đáng với danh hiệu “Trồng người” cao quý.