QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất phường Cầu Ông Lãnh ngày nay gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn – Gia Định cách đây hơn 300 năm. Vào mùa Xuân Mậu Dần (1698), Thống Suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh chúa Nguyễn vào vùng đất Nam bộ ngày nay đã “lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định; lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn; mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị” tổ chức ra xã, thôn, phường ấp để quản lý, chấm dứt thời kỳ tự phát, tự quản của lưu dân vùng đất phía Nam của Tổ quốc.
Theo một số tài liệu để lại, vào năm Tự Đức thứ tư (1852), vùng đất phường Cầu Ông Lãnh ngày nay thuộc thôn Trọng Hòa, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Sau khi chiếm được Sài Gòn (1859), người Pháp đã cho phá hết thành lũy của nhà Nguyễn rồi xây dựng nơi đây thành một thành phố theo kiểu phương Tây. Sài Gòn trở thành trung tâm quan trọng, cả về hành chính lẫn kinh tế, văn hóa, giáo dục của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Thời kỳ này người Pháp vẫn sử dụng cách phân chia địa giới hành chính các địa phương của nhà Nguyễn. Sau khi chiếm được thêm 3 tỉnh Tây Nam kỳ (1861), người Pháp mới xóa bỏ cách phân chia địa giới hành chính cũ của triều Nguyễn. Cho đến đầu thế kỷ 20, vùng Cầu Ông Lãnh vẫn còn rất hoang sơ và có con rạch nhỏ chảy ra rạch Bến Nghé (nay là đường Nguyễn Thái Học).
Trong suốt thời kỳ thực dân Pháp thống trị (1859 – 1954), chính quyền thực dân đã nhiều lần thực hiện phân chia địa giới hành chính của Sài Gòn, lấy “hộ” làm đơn vị hành chính cấp cơ sở. Năm 1945, Sài Gòn có 18 hộ, vùng Cầu Ông Lãnh nằm trong địa phận của Hộ 2. Trong thời kỳ đế quốc Mỹ xâm lược (1954 – 1975), vùng Cầu Ông Lãnh nằm trong địa phận của phường Cầu Ông Lãnh thuộc quận Nhì[1] – Đô thành Sài Gòn (thời gian này phường Cầu Ông Lãnh có 10 khóm và 2 khu biệt lập là chợ Cầu Muối và chợ Cầu Ông Lãnh).
Tháng 5 năm 1976, tổ chức hành chính của thành phố Sài Gòn – Gia Định được sắp xếp lại theo Quyết định số 301/UB, ngày 20 tháng 5 năm 1976 của Ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn – Gia Định. Theo đó, quận Nhất và quận Nhì hợp nhất lại thành Quận 1. Các phường cũ của hai quận đều giải thể để lập các phường mới có diện tích, dân số nhỏ hơn và mang tên số.
Quận Nhất từ 3 phường: Trần Quang Khải, Tự Đức, Bến Nghé được chia thành 10 phường mang số thứ tự từ số 1 đến số 10. Quận Nhì từ 7 phường: Cầu Kho; Cầu Ông Lãnh; Huyện Sĩ, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Cảnh Chân, Bùi Viện, Bến Thành được chia thành 15 phường mang số thứ tự từ số 11 đến số 25.
Phường Cầu Ông Lãnh, quận Nhì được chia thành 4 phường là: Phường 18, Phường 19, Phường 20 và Phường 21. Trong đó địa bàn phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1 ngày nay là Phường 20, bao gồm toàn bộ diện tích và dân số của Khóm 5, 6, 7 và 2 khu biệt lập là chợ Cầu Muối và chợ Cầu Ông Lãnh. Ngày 02 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI, kỳ họp thứ nhất đã đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành thành phố Hồ Chí Minh.
Thực hiện Quyết định số 147-HĐBT, ngày 26 tháng 8 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân chia địa giới hành chính một số phường thuộc Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; theo đó, Quận 1 giải thể 5 phường (2, 5, 9, 16 và 22) để sáp nhập và điều chỉnh cho 20 phường còn lại. Phường 20 tiếp nhận thêm 1 khu phố (từ nhà số 99 đến nhà số 147 đường Trần Hưng Đạo) của Phường 22. Như vậy đến tháng 8 năm 1982, địa giới hành chính của Phường 20 được mở rộng thêm về diện tích (0,23km2) và gia tăng về dân số (gần 15.000 người).
Thực hiện Quyết định số 184/HĐBT, ngày 28 tháng 12 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân chia lại địa giới hành chính của Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; Quận 1 từ 20 phường sắp xếp lại còn 10 phường và mang tên mới bằng chữ. Phường 20 được giữ nguyên về địa giới hành chính, đổi tên mới là phường Cầu Ông Lãnh. Từ đây tên gọi phường Cầu Ông Lãnh trước đây được sử dụng lại và ổn định cho đến ngày hôm nay.