Kỷ năng xây dựng gia đình văn hóa

5

Để mọi người đều có đủ năng lực chăm lo gia đình mình phát triển hạnh phúc, giữ gìn phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, phường Cầu Ông Lãnh tổ chức lớp kỹ năng xây dựng gia đình văn hóa cho các hộ dân ở 3 khu phố.

Tiến sĩ Lê Thị Trúc Anh – Giảng viên chính Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn trình bày nội dung cơ bản của việc xây dựng gia đình văn hóa: Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội, sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Xây dựng gia đình Việt Nam ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc là động lực của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các gia đình thường có nhiều thế hệ chung sống với nhau trong sự hoà thuận, yêu thương, gia đình còn là nơi truyền kinh nghiệm lao động, kinh nghiệm sống và góp thêm các giá trị văn hóa mới cho xã hội… Văn hóa gia đình bao gồm những giá trị, chuẩn mực, cách ứng xử chi phối đời sống và các mối quan hệ trong gia đình, cũng như mối quan hệ gia đình với xã hội. Văn hóa gia đình được thể hiện như là truyền thống gia đình, dòng họ, do mỗi gia đình xây dựng nên hệ giá trị, chuẩn mực trở thành nếp nhà. Vì thế, việc phát huy gia phong trong xây dựng gia đình văn hóa hiện nay rất cần được coi trọng. Xây dựng gia đình văn hóa với các tiêu chí “no ấm – bình đẳng – hạnh phúc – tiến bộ” cần phát huy ý nghĩa tốt đẹp của gia phong. Vì gia đình văn hóa trước hết là gia đình từ người già đến trẻ em phải sống có nhân đức, trọng đạo lý, lễ nghĩa, biết tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng học tập, lao động, cống hiến, biết noi theo nếp sống, truyền thống tốt đẹp của gia đình và là môi trường quan trọng để hình thành nhân cách của con người; góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh, phát triển bền vững.