PHẦN 2 – DI SẢN CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG – ĐỘT PHÁ VỀ KINH TẾ, VĂN HOÁ

9

Song song với phát triển kinh tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chấn hưng văn hoá bởi “văn hoá còn thì dân tộc còn”.

Mùa hè năm 2017, lần đầu tiên, Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân. Nghị quyết 10 đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân thành “một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; đến 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và tỷ trọng kinh tế tư nhân đóng góp 60-65%. Đây được coi là thay đổi lớn vì giai đoạn trước chỉ có kinh tế Nhà nước là chủ đạo, thì nay kinh tế tư nhân đã được xem là một trong những trọng tâm.

“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy phát triển kinh tế. Đây là một dấu ấn lớn”, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá.

Hai năm sau, một chủ trương có tính đổi mới khác tiếp tục được Bộ Chính trị ban hành, đó là Nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo ông Phúc, thu hút đầu tư nước ngoài quy định trong luật từ năm 1987, song lần đầu tiên trong lịch sử, dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, đã có một nghị quyết riêng, chuyên biệt. Nhờ đó, Chính phủ có cơ sở để hoàn thiện và khắc phục những bất cập trong chính sách này.

Các quyết sách đổi mới của Tổng bí thư trong ba nhiệm kỳ lãnh đạo đều được xây dựng trên cơ sở vận dụng sáng tạo một nền tảng tư tưởng thống nhất: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo ông Trọng, nền kinh tế này cần có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Trong 13 năm ông Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Tổng bí thư, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng hơn 4 lần – từ khoảng 104,6 tỷ USD năm 2010 lên 430 tỷ USD năm 2023. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng hơn 3,6 lần, từ 1.168 USD lên 4.284,5 USD, theo Tổng cục Thống kê.

Song song với phát triển kinh tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chấn hưng văn hoá bởi “văn hoá còn thì dân tộc còn”.

Ngay từ khi là một thanh niên 24 tuổi (năm 1968), ông đã có những bài viết về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam. Theo ông, văn hóa là hồn cốt, nói lên bản sắc dân tộc, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Với tư tưởng đó, Tổng bí thư đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đúng 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (năm 1946). Tại đây, ông yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Đây là cách để củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, góp phần quan trọng xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển bền vững đất nước.

Đến gần cuối đời, các lý luận văn hoá của ông được tổng hợp thành cuốn sách 928 trang “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

“Cuốn sách là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của riêng Tổng bí thư, một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Đảng về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam”, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói.

Zalo

Trong những ngày cuối đời ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, dù sức khỏe yếu dần, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn duy trì lịch làm việc. 9h-9h30, ông nghe các trợ lý, thư ký báo cáo tình hình công việc. Sau 10h30 và buổi chiều, ông tiếp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; hoặc ngồi đọc và nghiên cứu tài liệu.

“Tổng bí thư làm việc đến hơi thở cuối cùng. Ngày 13/7, ông vẫn làm việc nhưng buổi chiều chúng tôi phải đặt ống thở máy”, PGS Nguyễn Phương Đông, bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Tổng bí thư nhiều năm qua ở Bệnh viện 108, cho biết.

Trong các bài phát biểu cũng như trò chuyện với cán bộ đảng viên, nhân dân lúc sinh thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường dùng một câu trong tác phẩm nổi tiếng Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Liên Xô Nikolai Ostrovsky để nói hộ suy nghĩ của ông, cũng là lời căn dặn cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, và nhân dân: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”.

Nguồn: VNexpress