Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có phải chịu trách nhiệm?

2

Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi của người mà khi biết được người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm có thể bị chết mặc dù có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc tình trạng đó làm cho nạn nhân bị chết.

Ngày 7/2/2023, Khởi (40 tuổi, tài xế xe đầu kéo) bị Công an huyện Châu Thành tạm giữ hình sự để điều tra hành vi Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo khoản 3 Điều 132 Bộ luật Hình sự.Tại cơ quan điều tra, Khởi khai, khoảng 20h ngày 01/2/2023 lái xe đầu kéo chở hàng từ Vĩnh Long lên Sài Gòn. Khi chạy đến thị xã Cai Lậy, Tiền Giang, tài xế phát hiện xe bị hư ống dẫn hơi khiến phanh xe giảm tác dụng nên cho xe chạy vào làn số một, tốc độ dưới 35 km/h.

Xe tiếp tục lên cao tốc TP HCM – Trung Lương. Khi đến địa bàn xã Tân Hội Đông (Châu Thành), Khởi nghe tiếng động mạnh từ phía sau nên dừng xe xuống kiểm tra. Phát hiện ôtô khách 16 chỗ cách xe mình khoảng 0,5 m bị biến dạng, nhiều người bên trong la hét kêu cứu nhưng Khởi lên xe bỏ đi, cũng không thông báo cơ quan chức năng, không nhờ ai khác đến cứu giúp. Đến khoảng 1h hôm sau, người dân phát hiện xe khách biến dạng nằm chắn ngang cao tốc nên báo cơ quan chức năng. Lúc này tài xế xe bị nạn đã tử vong, nhiều nạn nhân bị thương nặng đang kêu cứu, tìm cách thoát ra ngoài. Một xe cứu thương đi ngang qua hiện trường đã dừng lại sơ cứu, đưa 5 nạn nhân đến bệnh viện, sau đó hai người khác không qua khỏi.

Ngay sau đó cảnh sát đã trích xuất camera để điều tra, phát hiện xe đầu kéo của Khởi có liên quan đến tai nạn. Hiện, cơ quan điều tra chưa xác định nguyên nhân vụ tai nạn, đang tiếp tục làm rõ.

Theo tinh thần tại Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự thì:

Nguy hiểm đến tính mạng (sắp chết) hoặc có thể chết (như: sắp chết đuối, bị thương tích nặng do tai nạn giao thông gây ra…), tuy có điều kiện mà không giúp (tức là có khả năng cứu giúp và sự cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác mà họ cố ý bỏ mặc, dẫn đến chết người.

Tội phạm được thực hiện bằng không hành động. Không cứu giúp là trường hợp người phạm tội thấy người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc, lờ đi nên nạn nhân bị chết. Ví dụ, người biết bơi, người lái đò khi thấy người sắp chết đuối kêu cứu nhưng bỏ mặc. Người lái xe ô tô, xe máy khi thấy một người bị thương nặng ở bên đường nhưng không đưa họ đi cấp cứu…Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người đang gặp rủi ro hoặc gặp tai nạn, đang bị đe dọa trực tiếp đến sự sống, nếu không kịp thời cứu chữa thì sẽ bị chết. Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể do khách quan đưa lại, do chính nạn nhân gây ra hoặc do người khác vô ý gây ra.

Đối với trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vận tải gây ra tai nạn rồi bỏ chạy, cố ý không cứu giúp người bị nạn để trốn tránh nghĩa vụ thì bị xử lý theo Điều 260.

Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, đồng thời xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người.

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý.

– Người có hành vi không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng phải nhận thức được tình trạng nguy hiểm của nạn nhân thì mới phạm tội này.

– Nếu người đó nhận thức nạn nhân chưa phải trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc hoàn cảnh khách quan thể hiện điều đó, nhưng hậu quả nạn nhân vẫn chết thì không phạm tội.

Theo Bộ Luật Hình sự 2015 Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.