Phân biệt các loại hình cơ sở kinh doanh làm đẹp – tránh hậu quả đáng tiếc

376

Vì chưa có quy định chi tiết về tên biển hiệu của các loại hình dịch vụ làm đẹp, các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này thường chọn đặt tên là “Thẩm mỹ viện” hay “Viện thẩm mỹ”. Đây là một trong những nguyên nhân làm người dân dễ bị nhầm lẫn, khó phân biệt được các loại hình làm đẹp theo quy định.

Theo Sở Y tế TP.HCM, không phải tất cả cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” đều thuộc sự quản lý của Ngành Y tế. Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng các “dịch vụ làm đẹp” thành 3 nhóm khác nhau, trong đó, có nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của Ngành y tế, có nhóm phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động, cụ thể như sau:

Nhóm 1 là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng. Những cơ sở chăm sóc sắc đẹp này chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc do Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp và hoàn toàn không được phép sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì. Đây là nhóm hoàn toàn không thuộc sự quản lý và cấp phép của Ngành y tế.

Zalo

​​Tuy nhiên, trên thực tế, Thanh tra Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh đã từng phát hiện những cơ sở chăm sóc da nhóm 1 lén lút triển khai phẫu thuật thẩm mỹ, hút mỡ. Vừa qua, lại có thêm cơ sở làm đẹp loại hình này ngang nhiên dùng thuốc gây tê và đã xảy ra sốc phản vệ, khiến bệnh nhân lãnh hậu quả nặng nề.

Nhóm 2 là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh tuy nhiên, người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định (tại khoản 5, phần bổ sung Điều 23a NĐ 109/2016, trong NĐ 155/2018/NĐ-CP) gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Các cơ sở này cũng không được phép sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Thế nhưng cũng đã từng có nhiều trường hợp lén lút triển khai phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhóm 3 là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người) hoặc xăm, phun, thêu trên da nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ này có rất nhiều hình thức hoạt động như: Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị da liễu; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa da liễu. Với nhóm này, ngoài giấy phép kinh doanh, khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Zalo

​​​Do chưa có quy định về đặt tên biển hiệu của các “cơ sở làm đẹp” tương ứng với 3 nhóm cơ sở dịch vụ làm đẹp nêu trên, nên rất khó biết cơ sở nào là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, cơ sở nào là dịch vụ thẩm mỹ, cơ sở nào là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Thực tế, với các biển hiệu thường thấy như “Thẩm mỹ viện…”, “Viện thẩm mỹ…”, “Trung tâm thẩm mỹ…” được treo tại những toà nhà có cơ sở hạ tầng sang trọng, bắt mắt,… dễ làm cho người có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp bị lầm tưởng là những cơ sở y tế có chuyên môn cao, có thể thực hiện tất cả các loại hình thẩm mỹ.

Đây cũng chính là một trong những “kẻ hở” để các cơ sở dịch vụ không thuộc lĩnh vực y tế “lấn sân” sang lĩnh vực y tế và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.

Zalo

Cũng theo Sờ Y tế cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có 19 bệnh viện thẩm mỹ, 10 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 212 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, và chỉ mới có 21 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (xăm, phun thêu) đã công bố trên cổng thông tin Sở Y tế. Trong khi đó, có khoảng 2.000 cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng. Nhưng về biển hiệu thì khó có thể phân biệt các cơ sở này với nhau vì hầu hết là chọn biển hiệu là “Thẩm mỹ viện…”, “Viện thẩm mỹ…” như trên, ngoại trừ các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ.

Do đó, người dân cần tìm hiểu kỹ về các loại giấy phép hành nghề của cơ sở, người thực hiện cũng như các biện pháp làm đẹp cần sử dụng các thiết bị, các chất gì, đề nghị được cung cấp đầy đủ thông tin về các biện pháp dự định dùng trước khi quyết định thực hiện.

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân, khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép, hãy gọi ngay đường dây nóng chuyên tiếp nhận các phản ánh hành nghề trái phép, vẽ bệnh qua số điện thoại 0989.401.155 hoặc vào ứng dụng “Y tế trực tuyến”, để Thanh tra Sở Y tế kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định. Ngoài ra, người dân cũng có thể liên hệ phòng y tế, công an các quận/huyện, Ủy ban nhân dân các Quận/huyện, phường/xã/thị trấn hay Hội Phẫu thuật thẩm mỹ (028) 3863 3683 – (028) 3862 7474 nếu có nghi ngờ về những cơ sở kinh doanh các dịch vụ thẩm mỹ trái phép, không phép.

Vào cuối tháng 11, chị N.T.P. (25 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) đến một cơ sở thẩm mỹ tên “Key Beauty Center” (nằm tại số 145/9, đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận) để phẫu thuật thẩm mỹ đốt mỡ 2 cánh tay và ngực trái.

Bác sĩ đã tiêm các loại thuốc an thần, giảm đau, gây tê, gây mê cho bệnh nhân để chuẩn bị tiền phẫu. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân bất ngờ bị tím tái, ngưng hô hấp tuần hoàn và tử vong sau đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy, với chẩn đoán sốc phản vệ, nghi do tiêm thuốc gây tê, gây mê.

Nhận thông tin sự việc, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tiến hành kiểm tra tại Trung tâm thẩm mỹ “Key Beauty Center”.

Tại đây, thanh tra ghi nhận căn nhà ở địa chỉ trên đã bị tháo gỡ biển hiệu), các phòng trên tầng 1,2 đã dọn sạch. Chủ căn nhà cho biết, người thuê nhà để kinh doanh “chăm sóc da” đã dọn đi vào ngày 1/12.

Nguồn tin

https://dantri.com.vn/suc-khoe/co-gai-tu-vong-sau-khi-hut-mo-o-tphcm-co-so-cham-soc-da-map-mo-bien-hieu-20221207144029003.htm